Bạn có thể sở hữu một sản phẩm tốt, một dịch vụ tiềm năng hoặc một ý tưởng sáng tạo - nhưng nếu không hiểu rõ thị trường mình đang tham gia, mọi chiến lược triển khai đều bị lãng phí.
Nghiên cứu thị trường không chỉ là nền tảng cho mọi quyết định kinh doanh hiệu quả - từ xây dựng thương hiệu, định vị sản phẩm đến phát triển chiến lược marketing phù hợp.
Bài viết này sẽ giúp bạn tiếp cận toàn diện các phương pháp nghiên cứu thị trường thực tiễn và chuyên sâu. Dù bạn là người mới bắt đầu hay đang tìm kiếm một hướng đi bài bản hơn, đây sẽ là hướng dẫn hiệu quả giúp bạn bắt đầu đúng cách.
Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường (tiếng Anh: Marketing research) là quá trình xác định, thu thập, phân tích và truyền đạt thông tin nhằm hỗ trợ việc ra quyết định trong marketing.
Theo Malhotra (1996), mục tiêu chính là làm rõ các vấn đề và cơ hội có thể tác động đến hoạt động tiếp thị.
Dù thường bị nhầm lẫn, nghiên cứu thị trường và nghiên cứu tiếp thị không hoàn toàn giống nhau. Nghiên cứu tiếp thị ra đời sớm hơn và tập trung vào hiệu quả các hoạt động marketing như quảng cáo, khuyến mãi hay bán hàng. Trong khi đó, nghiên cứu thị trường đi sâu vào thị trường mục tiêu, hành vi người tiêu dùng và các kênh phân phối.
Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu chi tiết về khách hàng
3 Mục tiêu chính khi nghiên cứu thị trường
Để khai thác tối đa giá trị từ nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu ngay từ đầu. Dưới đây là 3 mục tiêu trọng tâm:
Mục tiêu quản trị
Thông tin thu thập từ thị trường là cơ sở giúp nhà quản lý lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và xây dựng chiến lược dài hạn. Khi nắm bắt đúng xu hướng và nhu cầu thị trường, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc tổ chức, điều hành và kiểm soát hoạt động hiệu quả.
Mục tiêu khách hàng - xã hội
Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp nhìn nhận sản phẩm dưới góc nhìn của người dùng: đâu là điểm mạnh, đâu là hạn chế. Từ đó hiểu sâu hơn về hành vi, nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng để cải tiến sản phẩm - dịch vụ theo đúng mong muốn thị trường.
Mục tiêu kinh tế
Thông qua nghiên cứu, doanh nghiệp có thể đánh giá tiềm năng phát triển, rủi ro và khả năng thành công khi gia nhập thị trường mới hoặc tung sản phẩm mới. Việc này giúp giảm thiểu thất bại và gia tăng cơ hội thắng lớn ngay từ bước đầu ra mắt.
Nên nghiên cứu thị trường vào thời điểm nào?
Nghiên cứu thị trường là một hoạt động quan trọng, đòi hỏi đầu tư nghiêm túc về thời gian, nhân lực và chi phí. Không phải lúc nào cũng cần nghiên cứu, nhưng chọn đúng thời điểm sẽ mang lại giá trị tối đa.
Dưới đây là 4 thời điểm “vàng” doanh nghiệp không nên bỏ qua:
Trước khi tung ra sản phẩm mới
Hiểu rõ thị trường và chân dung khách hàng là điều kiện tiên quyết trước khi ra mắt sản phẩm. Việc này giúp đánh giá liệu sản phẩm có đáp ứng đúng nhu cầu hay cần điều chỉnh, cải tiến gì thêm.
Các phương pháp như khảo sát bảng hỏi, phỏng vấn nhóm, dùng thử sản phẩm sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng cho đội ngũ R&D để tinh chỉnh và tăng cơ hội thành công khi sản phẩm ra mắt.
[H3] Trước khi triển khai dự án kinh doanh mới
Khi bắt đầu một dự án hoặc liên doanh, việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt:
- Nhu cầu thực tế.
- Môi trường pháp lý.
- Hành vi và quy mô khách hàng.
- Chiến lược của đối thủ cạnh tranh.
Từ đó, đưa ra các quyết định đúng đắn về sản phẩm, định giá, phân phối và marketing.
Khi mở rộng sang thị trường mới
Thị trường mới luôn hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu doanh nghiệp "nhảy vào" mà chưa hiểu rõ về bối cảnh kinh tế, văn hoá tiêu dùng, chính sách địa phương hay hành vi khách hàng.
Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp lường trước rào cản, tránh sai lầm không đáng có và có chiến lược thích nghi hiệu quả hơn.
Nghiên cứu thị trường là rất cần thiết khi doanh nghiệp muốn mở rộng sang thị trường mới
Khi cần đo lường hiệu quả truyền thông thương hiệu
Không chỉ để phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường còn giúp kiểm tra xem thương hiệu của bạn đang được nhìn nhận ra sao.
Sau các chiến dịch truyền thông, doanh nghiệp có thể thực hiện khảo sát để:
- Đo mức độ nhận diện thương hiệu.
- Kiểm tra độ ghi nhớ quảng cáo.
- Hiểu hành vi tiêu dùng thực tế.
Từ đó, có dữ liệu chính xác để tối ưu chiến dịch tiếp theo.
10 Lợi ích quan trọng của việc nghiên cứu thị trường
Hiểu khách hàng từ gốc rễ
Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp nắm rõ chân dung khách hàng: họ là ai, họ cần gì và điều gì khiến họ ra quyết định mua hàng. Từ đó, bạn dễ dàng điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ để chạm đúng nhu cầu mua hàng, tăng khả năng chốt đơn.
Biết đối thủ đang làm gì
Phân tích thị trường cũng là lúc bạn "soi" kỹ đối thủ: họ bán gì, làm sao để tiếp cận khách hàng, điểm mạnh - điểm yếu ra sao. Từ đó, bạn có thể định vị khác biệt và xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả hơn.
Mở ra nhiều cơ hội mới
Không phải lúc nào thị trường cũng bão hòa. Nhiều khi có những “khoảng trống” chưa ai khai thác - từ nhu cầu chưa được đáp ứng tới sản phẩm chưa đủ tốt. Nghiên cứu giúp bạn phát hiện những cơ hội này sớm, để dẫn đầu thay vì theo sau.
Ra quyết định dựa trên dữ liệu, không cảm tính
Nghiên cứu thị trường giúp bạn nhìn thấy mọi khía cạnh - từ hiệu quả sản phẩm, chiến dịch tiếp thị đến các hoạt động kinh doanh. Khi quyết định dựa trên số liệu cụ thể, bạn không chỉ tối ưu được chiến lược mà còn hạn chế được rủi ro. Quan trọng hơn, những con số biết nói sẽ thuyết phục nhà đầu tư hơn bất kỳ lời hứa hẹn suông nào.
Tiết kiệm chi phí, tối đa hiệu quả
Không phải sản phẩm nào cũng dùng chung một công thức tiếp thị. Nghiên cứu thị trường sẽ chỉ ra đâu là kênh phù hợp nhất với đối tượng mục tiêu, giúp doanh nghiệp chi tiêu thông minh thay vì “vung tiền bắt cá”. Điều này sẽ giúp tối ưu chi phí và mang lại hiệu quả cao hơn.
Giữ vững lợi thế cạnh tranh
Không hiểu thị trường và không theo sát khách hàng - sớm muộn gì cũng bị đối thủ vượt mặt. Trong một thị trường mà người mua thì khắt khe và người bán thì đông, dữ liệu thị trường là vũ khí giúp bạn cải tiến sản phẩm, nâng cấp dịch vụ và luôn đi trước một bước.
Nghiên cứu thị trường không chỉ giúp hiểu khách hàng mà còn giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh
Mở rộng tầm nhìn, đi đúng hướng
Xu hướng thay đổi, nhu cầu khách hàng cũng thay đổi. Nắm bắt được điều đó thông qua dữ liệu thị trường - bạn sẽ nhìn thấy cơ hội, lường trước rủi ro và chọn đúng thời điểm để bứt phá.
Đo lường sự hài lòng của khách hàng
Doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng để phát hiện vấn đề, từ đó cải thiện sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn. Đây là cách giữ chân khách hàng, gia tăng doanh số và tạo lợi thế dài hạn.
Phát triển sản phẩm mới
Thông qua việc lắng nghe phản hồi và phân tích nhu cầu thực tế, doanh nghiệp có thể nâng cấp sản phẩm hiện tại hoặc tạo ra giải pháp hoàn toàn mới. Điều này không chỉ đáp ứng kỳ vọng khách hàng mà còn giúp doanh nghiệp nổi bật giữa thị trường cạnh tranh.
Định hướng phát triển dài hạn
Phân tích thị trường là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Khi có lộ trình rõ ràng, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc thích nghi và mở rộng, thay vì chỉ phản ứng thụ động với thay đổi.
3 Phương pháp nghiên cứu thị trường hiệu quả nhất
Trong quá trình nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều cách để thu thập và phân tích dữ liệu. Tùy vào mục tiêu cụ thể, bạn có thể chọn phương pháp phù hợp, cụ thể:
Nghiên cứu thị trường sơ cấp (Primary Research)
Đây là hình thức thu thập dữ liệu trực tiếp từ người tiêu dùng, không thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Các phương pháp phổ biến:
Phỏng vấn trực tiếp
Doanh nghiệp gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với khách hàng tiềm năng để khai thác thông tin chuyên sâu. Phương pháp này sẽ phù hợp khi muốn thử nghiệm sản phẩm mới hoặc mở rộng thị trường. Tuy nhiên, cách này tốn thời gian và chi phí cao.
Khảo sát
Khảo sát giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu từ một nhóm đại diện người tiêu dùng. Thông qua đó hiểu được hành vi, sở thích và nhu cầu khách hàng.
Các hình thức khảo sát:
- Trực tiếp: Thường thực hiện tại trung tâm thương mại, hội chợ… Tỷ lệ phản hồi cao (khoảng 90%) nhưng chi phí nhân sự và vận hành lớn.
- Qua điện thoại: Chi phí vừa phải, tỷ lệ phản hồi tầm 50 - 60%, nhưng đang dần kém hiệu quả do người dùng né tránh các cuộc gọi tiếp thị.
- Qua thư: Chi phí thấp, tiếp cận số lượng lớn, nhưng tỷ lệ phản hồi rất thấp (khoảng 3 - 15%).
- Trực tuyến: Dễ triển khai và tiết kiệm chi phí, nhưng dữ liệu thường thiếu tính chính xác vì khó kiểm soát người tham gia.
Thảo luận nhóm tập trung (Focus Groups)
Nhóm từ 6 - 12 người đại diện cho khách hàng mục tiêu sẽ cùng thảo luận về sản phẩm hoặc chủ đề cụ thể, dưới sự dẫn dắt của một người điều phối.
Phương pháp này khai thác được suy nghĩ, cảm xúc sâu bên trong người tiêu dùng, nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi một vài cá nhân nổi trội trong nhóm.
Quan sát
Doanh nghiệp theo dõi hành vi người tiêu dùng trong môi trường tự nhiên (cửa hàng, siêu thị, website...) để hiểu được thói quen, sở thích và điểm đau (pain point) một cách thực tế. Đây là phương pháp thu thập dữ liệu rất khách quan.
Phỏng vấn sâu
Đối thoại 1-1, thường kéo dài khoảng 60 phút với các câu hỏi mở. Không có cấu trúc cố định, giúp khai thác góc nhìn cá nhân một cách toàn diện. Tuy nhiên, thông tin thu được không có giá trị thống kê đại diện cho số đông.
Phương pháp thử nghiệm (Field trials)
Đưa sản phẩm thử nghiệm vào một số điểm bán thực tế giúp doanh nghiệp kiểm chứng phản ứng thị trường. Từ đó dễ dàng điều chỉnh thiết kế, giá bán hoặc bao bì trước khi tung ra thị trường.
Với doanh nghiệp nhỏ, nên tận dụng mạng lưới cửa hàng địa phương và nền tảng thương mại điện tử để triển khai thử nghiệm nhanh, linh hoạt và ít tốn kém.
Nghiên cứu thị trường thứ cấp (Secondary Research)
Đây là phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu có sẵn từ các nguồn như: cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành nghề, phòng thương mại hoặc các tổ chức chuyên môn.
Ưu điểm lớn nhất là tiết kiệm thời gian và chi phí, thậm chí nhiều dữ liệu hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, thông tin có thể không phù hợp hoàn toàn với mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Vì thế, kết hợp giữa nghiên cứu thứ cấp và sơ cấp là cách thông minh để có góc nhìn đầy đủ và sát thực tế hơn.
Nghiên cứu thị trường bằng mạng xã hội
Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội mang đến nguồn dữ liệu dồi dào về hành vi, xu hướng và nhu cầu người dùng. Doanh nghiệp có thể theo dõi thảo luận, phản hồi, xu hướng tìm kiếm hoặc triển khai khảo sát nhanh chóng ngay trên nền tảng này.
Tích hợp mạng xã hội vào quy trình nghiên cứu thị trường không chỉ giúp nắm bắt thị hiếu kịp thời, mà còn nâng cao tính linh hoạt trong chiến lược kinh doanh.
Đây là cách để doanh nghiệp hiểu hành vi, xu hướng và nhu cầu thực sự của người tiêu dùng
Quy trình thực hiện nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp
Để nghiên cứu thị trường một cách bài bản và mang lại kết quả ứng dụng được, doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình gồm 5 bước sau:
Bước 1: Xác định vấn đề cần nghiên cứu
Mọi nghiên cứu hiệu quả đều bắt đầu bằng một câu hỏi đúng. Việc xác định chính xác vấn đề cần nghiên cứu không chỉ giúp định hướng toàn bộ quá trình mà còn đảm bảo kết quả thu được là thực tế và có thể áp dụng ngay.
Doanh nghiệp cần làm rõ mục tiêu và đặt ra các câu hỏi cụ thể cần giải đáp, như:
- Khách hàng có nhu cầu với sản phẩm mới không?
- Mức độ hài lòng hiện tại ra sao?
- Thị trường đang dịch chuyển theo hướng nào?
Bước 2: Thu thập thông tin
Khi đã có mục tiêu rõ ràng, bước tiếp theo là tìm kiếm dữ liệu phù hợp. Doanh nghiệp có thể thu thập thông tin thông qua 3 phương pháp đã nêu trên.
Tùy theo mục tiêu, doanh nghiệp có thể chọn phương pháp phù hợp hoặc kết hợp cả 3 để tối ưu độ chính xác và tính đa chiều của thông tin.
Bước 3: Phân tích và xử lý dữ liệu
Thông tin thu thập được chỉ thực sự có giá trị khi được phân tích kỹ lưỡng. Giai đoạn này gồm ba phần chính:
- Xử lý dữ liệu: Làm sạch dữ liệu và loại bỏ dữ liệu sai lệch, trùng lặp hoặc không liên quan.
- Phân tích dữ liệu: Áp dụng các phương pháp phân tích định lượng (thống kê, biểu đồ, phần mềm chuyên dụng) và định tính (phân tích nội dung, phân loại hành vi).
- Đánh giá thông tin: Đối chiếu kết quả phân tích với mục tiêu ban đầu để kiểm tra tính nhất quán, độ tin cậy và khả năng áp dụng thực tiễn.
Bước 4: Trình bày và truyền đạt kết quả
Một bản phân tích dù sâu sắc đến đâu cũng vô nghĩa nếu không được truyền đạt rõ ràng. Báo cáo kết quả nghiên cứu cần đảm bảo:
- Trình bày logic, trực quan bằng biểu đồ, bảng biểu, mô hình.
- Tập trung vào những phát hiện có giá trị chiến lược.
- Đưa ra các khuyến nghị cụ thể, gắn liền với mục tiêu kinh doanh.
- Trình bày theo ngôn ngữ phù hợp với đối tượng tiếp nhận (ban giám đốc, phòng marketing, bộ phận sản xuất...).
Bước 5: Đánh giá sau triển khai và rút kinh nghiệm
Cuối cùng, sau khi các đề xuất từ nghiên cứu được áp dụng, doanh nghiệp cần theo dõi sát sao kết quả thực tế. Việc này giúp:
- Đo lường mức độ hiệu quả của các quyết định dựa trên nghiên cứu.
- Rút ra bài học cho những nghiên cứu sau.
- Điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết dựa trên phản hồi và kết quả thực tế.
Nghiên cứu thị trường là nền tảng cốt lõi trong mọi quyết định chiến lược của doanh nghiệp. Việc hiểu đúng nhu cầu khách hàng, theo sát diễn biến thị trường và phân tích dữ liệu một cách bài bản sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tối ưu nguồn lực và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Dù quy mô lớn hay nhỏ, một quy trình nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp luôn là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững và định hướng đúng con đường tăng trưởng dài hạn.