09/05/2022 - Lượt xem: 150
Để tăng khả năng tiêu thụ, các doanh nghiệp đã dùng nhiều cách để ép người lao động mua và dùng sản phẩm do mình sản xuất, rồi trừ vào lương. Hành vi này liệu có vi phạm quy định pháp luật không?
Doanh nghiệp có được can thiệp vào việc chi tiêu lương của nhân viên?
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương là số tiền được doanh nghiệp trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Số tiền này phải được trả trực tiếp, đầy đủ theo đúng thời hạn đã ấn định. Trường hợp không thể nhận lương trực tiếp, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận thay mình.
Đặc biệt, trong nguyên tắc trả lương, Điều 94 Bộ luật Lao động còn nhấn mạnh:
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Theo đó, người lao động phải được tự quyết định đối với việc chi tiêu lương mà không gặp phải bất kì hạn chế hay sự can thiệp nào từ phía doanh nghiệp.
Ép nhân viên trích lương mua hàng hóa, chủ doanh nghiệp bị phạt thế nào?
Mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm người sử dụng lao động không được ép buộc nhân viên mua hàng hóa do mình sản xuất nhưng thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng,…
Nếu bị ép dùng lương để mua hàng hóa của doanh nghiệp, người lao động có thể tố cáo hành vi vi phạm này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Việc tố cáo có thể được thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp tới Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sau khi tiến hành xác minh và kết luận có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm, người sử dụng lao động sẽ phải nộp phạt theo các mức khác nhau. Cụ thể:
- Có từ 01 người đến 10 người lao động bị vi phạm: Phạt 05 - 10 triệu đồng.
- Có từ 11 người đến 50 người lao động bị vi phạm: Phạt 10 - 20 triệu đồng.
- Có từ 51 người đến 100 người lao động bị vi phạm: Phạt 20 - 30 triệu đồng.
- Có từ 101 người đến 300 người lao động bị vi phạm: Phạt 30 - 40 triệu đồng.
- Có từ 301 người lao động bị vi phạm trở lên: Phạt 40 - 50 triệu đồng.
Đây là mức phạt dành cho người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi (theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 12/2022). Tương ứng với đó, tổ chức vi phạm lỗi này có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng.
Trên đây là thông tin mức phạt đối với hành vi ép người lao động dùng lương mua hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất. Để được tư vấn thêm về cách bảo vệ quyền lợi, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6199 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam giải đáp chi tiết.
Theo: Luật Việt Nam
Xem thêm: https://vieclam.acacy.com.vn/kien-thuc/tu-01-7-2022-ai-duoc-tang-luong--10177