01/11/2021 - Lượt xem: 246
Hiện nay rất nhiều người lao động lựa chọn rút BHXH 1 lần thay vì hưởng lương hưu. Tuy nhiên, không nên rút BHXH 1 lần trong thời điểm này vì một số lí do dưới đây.
Chính phủ sẽ xem xét về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, cụ thể:
Cuối tháng 10 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã có phiên thảo luận về bảo hiểm xã hội, người đứng đầu của cơ quan chuyên trách lĩnh vực này là Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết sắp tới, Chính phủ sẽ bàn về nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này, là xem xét về việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm.
Đề xuất này thực chất là thể chế hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết 28/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, Nghị quyết 28 nêu rõ:
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Nội dung trên cũng đã được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.
Như vậy, điều kiện hưởng lương hưu trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ được “nới lỏng”. Thời gian đóng BHXH sẽ được rút ngắn, người lao động chỉ cần đáp ứng thêm điều kiện về tuổi nghỉ hưu.
Xem thêm: Đề xuất: Sinh con thứ 2 được thưởng đến gần 10 triệu đồng tại 21 tỉnh thành
Đề xuất nêu trên là tin vui cho những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu số năm đóng BHXH. Thay vì phải rút BHXH một lần, hay phải đóng tiếp BHXH tự nguyện, thì sắp tới, những người này đã đủ điều kiện được nhận lương hưu.
Theo đó, trước hết, đây là những người chưa nên rút BHXH 1 lần ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, còn có một trường hợp khác, đó là trường hợp người lao động đã nghỉ việc, chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng đã đủ 15 năm đóng BHXH. Nếu như không có nhu cầu cấp thiết, người lao động cũng không nên rút BHXH một lần, mà nên bảo lưu thời gian đóng để đợi đủ tuổi nhận lương hưu (trước đây, người lao động thuộc trường hợp này cần phải tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ 20 năm đóng BHXH).
Nhìn chung, dù ở trường hợp nào, thì việc giảm số năm đóng BHXH để nhận lương hưu cũng có lợi cho người lao động, giúp người lao động dễ dàng tiến tới cơ hội được nhận lương hưu hơn.
Theo Điều 5 của Quyết định 595/QĐ-BHXH, tổng mức đóng BHXH hằng tháng của người lao động và người sử dụng lao động là 22% mức tiền lương tháng, tương đương một năm (x 12 tháng) là 2,64 tháng lương.
Theo Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng BHXH 1 lần của người lao động là: Những năm đóng trước thời điểm 2014 thì được hưởng 1,5 tháng lương bình quân/năm; những năm từ năm 2014 trở đi thì được hưởng 02 tháng lương bình quân/năm.
Như vậy, nếu như rút BHXH 1 lần, thì:
- Những năm trước năm 2014: Người lao động bị mất 1,14 tháng lương
- Những năm từ năm 2014 trở đi: Người lao động bị mất 0,64 tháng lương.
Ngoài ra, việc rút BHXH một lần còn khiến người lao động còn bị mất thêm nhiều quyền lợi khác.
Tóm lại, với việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian tới, người lao động nên cân nhắc về việc rút BHXH 1 lần ở thời điểm này, mà nên đợi cơ hội để nhận lương hưu. So với việc hưởng lương hưu, rút BHXH 1 lần khiến người lao động “thiệt” hơn rất nhiều.