Làm nhân viên bán hàng có khó không? Mô tả công việc & yêu cầu cần biết

31/03/2025 - Lượt xem: 24

https://webjobapi.acacy.com.vn/DataUpload\RecBlog\20250331/4.png
Bạn từng ghé cửa hàng điện thoại, siêu thị hay trung tâm thương mại và bắt gặp một người luôn cười nói, tư vấn rành mạch, thậm chí nhớ rõ từng khuyến mãi đang chạy? Đó chính là nhân viên bán hàng - người đóng vai trò “tuyến đầu” giữa thương hiệu và khách hàng. 
Nghe thì có vẻ đơn giản: chỉ cần giới thiệu sản phẩm, chốt đơn, thu tiền. Nhưng nghề này có thật sự dễ như lời đồn? Cần những kỹ năng gì để không bị “đuối” chỉ sau vài tuần đi làm?
Nếu bạn đang muốn thử sức trong lĩnh vực này, bài viết sau sẽ giúp bạn hình dung rõ công việc nhân viên bán hàng là gì, công việc thực tế, kỹ năng yêu cầu… trước khi đưa ra quyết định làm việc. 

Nhân viên bán hàng là gì?

Nhân viên bán hàng là người trực tiếp đại diện cho doanh nghiệp trong việc kết nối với khách hàng. Họ chịu trách nhiệm tư vấn, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ một cách rõ ràng, thuyết phục - nhằm tạo dựng niềm tin và thúc đẩy hành động mua hàng. Có thể nói, nhân viên bán hàng là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, vai trò của nhân viên bán hàng đều gắn liền với mục tiêu tăng trưởng doanh thu. Họ góp phần không nhỏ vào việc mở rộng thị phần, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ và giữ chân khách hàng bằng trải nghiệm mua sắm tích cực.
Nhân viên bán hàng là người trực tiếp giới thiệu, tư vấn và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm

Công việc của nhân viên bán hàng

Dưới đây là bản mô tả chi tiết, dễ hiểu và thực tế nhất để bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về vai trò và trách nhiệm của vị trí nhân viên bán hàng:

Nhận và kiểm tra hàng hóa

Đây là bước đầu tiên để đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi được trưng bày. Ngay khi hàng được giao tới từ nhà cung cấp, nhân viên bán hàng sẽ là người trực tiếp tiếp nhận và kiểm kê số lượng. 
Công việc này không chỉ đơn giản là đếm hàng, mà còn bao gồm:
  • Kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng bao bì, chất lượng sản phẩm và hạn sử dụng.
  • Phát hiện các lỗi như rách bao bì, sản phẩm bẩn, móp méo hoặc hết hạn.
  • Ghi chép lại đầy đủ thông tin trong biên bản giao nhận: số lượng, tình trạng từng lô hàng.
  • Nếu phát hiện vấn đề, cần báo ngay cho quản lý để xử lý kịp thời.

Bảo quản chất lượng hàng hóa, sản phẩm

Sau khi nhận hàng, mọi sản phẩm đều phải được cất giữ cẩn thận. Điều này đòi hỏi nhân viên bán hàng hiểu rõ đặc tính của từng loại hàng để có cách bảo quản phù hợp:
  • Thực phẩm cần được bảo quản trong tủ lạnh đúng nhiệt độ.
  • Đồ dễ vỡ phải được xếp riêng và có lớp chống va đập.
  • Những sản phẩm có hạn sử dụng ngắn cần được ưu tiên luân chuyển sớm.
Việc bảo quản đúng không chỉ giúp sản phẩm giữ được chất lượng mà còn giảm thiểu tối đa hàng hỏng, hàng tồn kho.

Trưng bày hàng hóa đẹp mắt, gọn gàng

Một kệ hàng sạch sẽ, ngăn nắp, bắt mắt chính là “chiêu bài” thu hút khách hàng hiệu quả nhất. Đây là phần công việc quan trọng của nhân viên bán hàng:
  • Sắp xếp hàng hóa theo đúng khu vực, chủng loại.
  • Ưu tiên trưng bày các sản phẩm đang khuyến mãi, hoặc theo chiến lược của cửa hàng.
  • Loại bỏ hàng hết hạn, hư hỏng khỏi quầy kệ.
  • Vệ sinh quầy kệ thường xuyên, đảm bảo luôn sạch sẽ và chuyên nghiệp.

Tư vấn và bán hàng

Một nhân viên bán hàng giỏi không chỉ chốt được đơn, mà còn tạo được trải nghiệm mua sắm thoải mái khiến khách quay lại.
Nhiều khách ghé cửa hàng chỉ mới lướt qua hoặc chưa biết rõ mình cần gì. Nhân viên bán hàng lúc này sẽ:
  • Chủ động tiếp cận, chào hỏi và tìm hiểu nhu cầu khách hàng.
  • Đưa ra gợi ý, giới thiệu sản phẩm phù hợp và giải thích rõ công dụng, lợi ích.
  • Hỗ trợ khách trong quá trình lựa chọn, đưa ra so sánh nếu cần.
  • Thúc đẩy quyết định mua hàng bằng thái độ tích cực và chuyên nghiệp.

Hỗ trợ xử lý thắc mắc, khiếu nại

Không phải lúc nào cũng bán được hàng suôn sẻ, sẽ có lúc khách hàng gặp sự cố như: sản phẩm bị lỗi, nhầm size, thiếu phụ kiện… Lúc này, nhân viên bán hàng cần:
  • Lắng nghe khách phản ánh một cách lịch sự, không tranh cãi.
  • Kiểm tra lại tình trạng sản phẩm và xác định nguyên nhân chính xác.
  • Nếu trong phạm vi giải quyết được, cần xử lý khéo léo để khách hài lòng.
  • Trong trường hợp vượt quá quyền hạn, phải báo ngay cho quản lý để can thiệp.
Hãy nhớ rằng: Khéo léo trong xử lý khiếu nại không chỉ giúp giữ chân khách hàng mà còn tạo hình ảnh chuyên nghiệp cho doanh nghiệp.

7 Kỹ năng cần có của một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp

Dưới đây là 7 kỹ năng cốt lõi mà một nhân viên bán hàng cần trang bị nếu muốn phát triển bền vững trong nghề:

Kỹ năng giao tiếp

Giao tiếp là nền tảng của mọi tương tác trong bán hàng. Không chỉ là khả năng nói chuyện lưu loát mà còn là cách bạn lắng nghe, thấu hiểu và phản hồi phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Một nhân viên bán hàng giỏi sẽ biết cách trình bày sản phẩm một cách dễ hiểu, trả lời mọi thắc mắc rõ ràng và tạo cảm giác thoải mái cho người đối diện. Đây là bước quan trọng để xây dựng niềm tin và thúc đẩy quyết định mua hàng.

Kỹ năng đàm phán

Đàm phán là “vũ khí” giúp bạn đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Điều này không chỉ dừng lại ở việc thương lượng giá mà còn liên quan đến các điều kiện thanh toán, thời gian giao hàng, chính sách bảo hành...
Thực tế, không phải lúc nào khách hàng cũng “gật đầu” dễ dàng. Sẽ có khi họ phàn nàn, yêu cầu điều chỉnh hoặc đưa ra các đề xuất khó. Lúc này, một người bán hàng có kỹ năng đàm phán tốt sẽ biết cách giữ bình tĩnh, ứng biến linh hoạt và đưa ra giải pháp đôi bên cùng có lợi.

Kỹ năng nghiên cứu và phân tích

Muốn bán được hàng, bạn phải hiểu thị trường. Muốn bán tốt, bạn cần hiểu rõ đối thủ!
Việc dành thời gian nghiên cứu thị trường, hành vi khách hàng và sản phẩm của đối thủ sẽ giúp bạn đưa ra chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn. Bạn sẽ biết khách hàng đang cần gì, xu hướng sắp tới, điểm mạnh - điểm yếu của sản phẩm mình đang bán nằm ở đâu.
Nhân viên bán hàng phải biết tìm hiểu thị trường, phân tích dữ liệu và nắm bắt khách hàng

Kỹ năng quản lý thời gian

Không chỉ có mỗi việc tư vấn cho khách - một ngày làm việc của nhân viên bán hàng có thể bao gồm: tiếp khách, xử lý đơn, trả lời tin nhắn, báo cáo doanh số, sắp xếp hàng hóa... mà tất cả đều yêu cầu chính xác và đúng giờ.
Nếu không biết cách sắp xếp và ưu tiên công việc, bạn rất dễ rơi vào tình trạng chồng chéo, quá tải hoặc quên trước quên sau. Những điều nhỏ đó lâu ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất và chất lượng phục vụ.

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Kỹ năng giải quyết vấn đề không chỉ giúp bạn giữ chân khách hàng mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và bản lĩnh trong công việc. Khách hàng không hài lòng, đơn bị trễ, hàng lỗi hoặc một tình huống “dở khóc dở cười” nào đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Không phải lúc nào cũng có sếp hay đồng nghiệp đứng kế bên để hỗ trợ. Lúc này, bạn cần giữ cái đầu lạnh để xác định vấn đề nằm ở đâu, rồi nhanh chóng tìm giải pháp để “dập lửa”.

Kỹ năng làm việc nhóm

Dù bạn là nhân viên bán hàng tại cửa hàng, siêu thị hay công ty lớn - thì vẫn phải làm việc cùng nhiều bộ phận khác như kho, vận chuyển, marketing, chăm sóc khách hàng...
Kỹ năng làm việc nhóm giúp bạn phối hợp nhịp nhàng, giảm căng thẳng không đáng có, đặc biệt là giúp công việc diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều. Khi mọi người hỗ trợ lẫn nhau, hiệu quả công việc sẽ tăng gấp đôi, còn áp lực thì giảm đi một nửa.

Kỹ năng chịu áp lực

Khả năng chịu áp lực giúp bạn duy trì sự tỉnh táo, không nóng vội, không buông xuôi - và đó là yếu tố giúp bạn bạn giữ vững với nghề. Nhân viên bán hàng nào cũng quen với cụm từ “chỉ tiêu doanh số” - thứ khiến nhiều người mất ăn mất ngủ.
Áp lực từ mục tiêu tháng, sự cạnh tranh giữa các nhân viên, phản ứng của khách hàng và cả những tình huống oái oăm... đều có thể khiến bạn mệt mỏi nếu không đủ “lì đòn”.

5 Bí quyết trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc

Bán hàng là cả một nghệ thuật tạo thiện cảm, hiểu đúng nhu cầu và giúp khách hàng cảm thấy hài lòng khi ra quyết định. Dưới đây là những bí quyết quan trọng giúp bạn trở thành một nhân viên bán hàng thực thụ:

Nụ cười và lời chào thân thiện

Một nụ cười tươi và lời chào chân thành là bước mở đầu quan trọng để khách hàng cảm thấy được chào đón. Khi họ bước vào cửa hàng và gặp một nhân viên niềm nở, cảm giác thoải mái sẽ khiến họ sẵn sàng tiếp nhận thông tin, dễ trò chuyện hơn.
Không ai thích mua hàng trong một không khí lạnh lùng. Khi bạn tỏ ra thân thiện, khách hàng sẽ tin rằng họ đang được phục vụ chứ không phải bị “bán hàng”. Và đó chính là nền tảng để xây dựng sự tin tưởng và trung thành.
Nụ cười thân thiện và lời chào tử tế là vũ khí mở đầu mọi cuộc giao tiếp của một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp

Hiểu rõ khách cần gì trước khi tư vấn

Thay vì lao ngay vào giới thiệu sản phẩm một cách vồn vã, hãy hỏi và lắng nghe. Càng hiểu rõ khách hàng đang tìm gì, bạn càng dễ tư vấn đúng hướng.
Một cuộc tư vấn tốt luôn bắt đầu từ việc thấu hiểu nhu cầu. Khách hàng sẽ cảm nhận được sự chuyên nghiệp và tôn trọng, từ đó dễ mở lòng hơn. Đôi khi, họ còn chia sẻ thêm những “nỗi đau” thầm kín - đó là lúc bạn trở thành người “giải quyết vấn đề” chứ không đơn thuần là người bán.

Trình bày mạch lạc, dễ hiểu

Một phần trình bày chỉn chu sẽ thể hiện bạn là người chuyên nghiệp và đáng tin cậy, kể cả với những khách hàng khó tính nhất.
Khách hàng không có thời gian để "giải mã" những gì bạn đang nói. Hãy diễn giải sản phẩm một cách đơn giản, rõ ràng và đúng trọng tâm: tính năng, công dụng, cách dùng, lợi ích nổi bật và lý do tại sao sản phẩm đó đáng để họ quan tâm.

Bán lợi ích, không bán sản phẩm

Khách hàng không mua vì sản phẩm của bạn “xịn”, mà vì nó giải quyết được vấn đề họ đang gặp phải. Vậy nên, thay vì "kể lể" sản phẩm có bao nhiêu tính năng, hãy nói cho họ biết:
  • Nó giúp họ tiết kiệm thời gian như thế nào?
  • Nó hỗ trợ cho công việc của họ nhẹ nhàng hơn ra sao?
  • Nó giúp họ tránh được những rủi ro nào?
Ngừng "tung hô" sản phẩm - hãy chỉ cho khách thấy họ được lợi gì. Người bán hàng giỏi là người biết “nói đúng điều khách muốn nghe”, chứ không phải “nói hết những gì mình biết”.

Chốt sale tinh tế

Dù có bán được hay không, cách bạn kết thúc cuộc trò chuyện cũng thể hiện bạn là ai.
  • Nếu khách mua: Hãy hoàn tất giao dịch một cách gọn gàng, lịch sự. Gửi lời cảm ơn và tạo lý do để họ quay lại (chẳng hạn: thẻ tích điểm, ưu đãi cho lần sau...).
  • Nếu khách chưa mua: Đừng tỏ ra cụt hứng hay lạnh nhạt. Hãy giữ sự nhiệt tình cho đến cuối cùng. Một cuộc chia tay êm đẹp có thể là khởi đầu cho lần gặp lại.
Nhân viên bán hàng giỏi phải biết chốt sale một cách tinh tế, nhẹ nhàng và khéo léo

Cơ hội thăng tiến của nhân viên bán hàng

Một cuộc khảo sát với khoảng 1.700 quản lý cấp cao tại các công ty thuộc danh sách Fortune 500 (tức 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ) cho thấy có 31,2% từng làm công việc bán hàng trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Con số này nói lên điều gì? Rất đơn giản: bán hàng không chỉ là điểm khởi đầu - nó có thể là bệ phóng để bạn bước lên những vị trí quản lý cấp cao.
Dĩ nhiên, con đường thăng tiến không hề giống nhau với tất cả mọi người. Mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng. Có người mất vài năm, có người mất cả thập kỷ. Điều đó còn phụ thuộc vào khả năng học hỏi, thái độ làm việc và cả cách bạn trau dồi kỹ năng cá nhân.
Nếu đang làm bán hàng và có ý định tiến xa hơn, bạn cần nghiêm túc đầu tư cho bản thân. Viết CV chuyên nghiệp, biết cách thể hiện thành tựu cá nhân bằng con số cụ thể, biết kể câu chuyện nghề nghiệp một cách thuyết phục - đó là những kỹ năng rất cần thiết nếu muốn lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng.
Tiếng Anh cũng là một lợi thế lớn, đặc biệt nếu bạn làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với khách hàng hoặc đối tác nước ngoài. Giao tiếp tốt không chỉ giúp chốt đơn dễ hơn, mà còn khiến bạn trở nên nổi bật trong mắt cấp trên.
Khi có đủ kinh nghiệm, kỹ năng và tầm nhìn chiến lược - bạn có thể được cân nhắc cho những vị trí như: Trưởng nhóm kinh doanh, Giám sát bán hàng, Giám đốc khu vực hay thậm chí là Giám đốc kinh doanh toàn quốc
Dù tên gọi có thể khác nhau tùy theo từng công ty, nhưng điểm chung của những vị trí này là vai trò quản lý, hoạch định và giám sát đội ngũ bán hàng trong một khu vực hoặc phân khúc thị trường cụ thể.
Tóm lại, nghề bán hàng không chỉ dừng lại ở việc “bán hàng”. Nếu bạn có tham vọng, có kỹ năng và liên tục phát triển bản thân, thì con đường thăng tiến lên vị trí lãnh đạo là hoàn toàn khả thi. Vấn đề là: Bạn có đang nghiêm túc với con đường mình chọn không?

Ngành học nào phù hợp để theo đuổi công việc nhân viên bán hàng?

Nếu bạn đang tìm kiếm một hướng đi mới, dưới đây là một số ngành học có nền tảng tốt, giúp bạn dễ dàng chuyển hướng sang công việc bán hàng:

Quản trị kinh doanh

Đây là lựa chọn “quốc dân” dành cho những ai muốn theo đuổi công việc trong môi trường kinh doanh. Ngành học này trang bị cho bạn kiến thức nền tảng về cách vận hành doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, quản lý nhân sự, chăm sóc khách hàng và kỹ năng bán hàng.
Sinh viên ngành quản trị kinh doanh thường được tiếp cận với các môn học thực tiễn như hành vi người tiêu dùng, kỹ năng đàm phán, quản lý bán hàng,… Những kiến thức này hoàn toàn có thể ứng dụng trực tiếp vào công việc nhân viên bán hàng.

Marketing

Không có hoạt động kinh doanh nào hiệu quả nếu thiếu vắng sự hỗ trợ từ marketing. Đây là ngành học giúp bạn hiểu sâu về hành vi người tiêu dùng, biết cách định vị sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá nhân và phát triển các chiến lược tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Marketing cũng đào tạo kỹ năng làm việc với dữ liệu, tổ chức sự kiện, quản lý kênh truyền thông - tất cả đều là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho việc bán hàng hiệu quả.

Tài chính - Ngân hàng

Đây là nhóm ngành nghề cung cấp nền tảng cực kỳ tốt để bạn làm trong lĩnh vực bán hàng, đặc biệt ở các mảng như bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán hay các sản phẩm tài chính tiêu dùng.
Sinh viên ngành này có lợi thế về khả năng phân tích, nắm bắt tâm lý tài chính của khách hàng, đồng thời biết cách xây dựng phương án chào - bán hợp lý dựa trên lợi ích tài chính mà khách hàng mong muốn.

Truyền thông - Báo chí

Sinh viên truyền thông hoặc báo chí thường có khả năng giao tiếp linh hoạt, biết cách trình bày vấn đề mạch lạc và tạo thiện cảm nhanh chóng với người đối diện. Đây chính là “vũ khí ngầm” giúp bạn đạt được nhiều thành tựu to lớn khi làm trong lĩnh vực bán hàng.
Sinh viên ngành này còn được đào tạo cách truyền tải thông điệp, kể chuyện thương hiệu (storytelling) và sử dụng ngôn từ để tạo ảnh hưởng - tất cả đều có thể áp dụng cực kỳ hiệu quả trong quá trình tư vấn và thuyết phục khách hàng.
Nếu bạn đang cân nhắc bước chân vào nghề bán hàng - dù là bán điện thoại, quần áo hay bất cứ sản phẩm nào, thì bài viết này đã cung cấp cái nhìn đầy đủ: từ công việc thực tế, kỹ năng cần có, đến cơ hội thăng tiến để bạn biết mình có thật sự phù hợp hay không. 

Việc làm mới nhất