19/04/2022 - Lượt xem: 148
Trong phiên họp sáng ngày 12/4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 để trình Chính phủ quyết định. Vậy sắp tới đây, những người lao động nào sẽ được tăng lương?
Dự kiến tăng 6% mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022
Căn cứ khoản 4 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Sau 02 phiên thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp, 15/17 thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2022 với mức tăng là 6% so với hiện nay.
Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, qua các phiên đàm phán, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 được tăng 5,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Sau đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được tăng 5,5% so với mức lương tối thiểu năm 2019.
Còn năm 2021 và nửa đầu năm 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa tăng và tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Kết thúc phiên họp sáng ngày 12/4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt phương án được đa số các thành viên đồng ý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Nếu phương án này được Chính phủ thông qua, tiền lương tối thiểu vùng được áp dụng trong thời gian tới sẽ xác định theo từng vùng như sau:
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc | Mức lương tối thiểu vùng hiện nay | Mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022 | Mứctăng |
Vùng I | 4,42 triệu đồng/tháng | 4,68 triệu đồng/tháng | 260.000 đồng |
Vùng II | 3,92 triệu đồng/tháng | 4,16 triệu đồng/tháng | 240.000 đồng |
Vùng III | 3,43 triệu đồng/tháng | 3,63 triệu đồng/tháng | 210.000 đồng |
Vùng IV | 3,07 triệu đồng/tháng | 3,25 triệu đồng/tháng | 180.000 đồng |
Lương tối thiểu vùng tăng: Ai được tăng lương?
Khoản 1 và khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ:
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo đó, tiền lương tối thiểu trả cho người lao động (chưa bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) phải ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng được công bố.
Như vậy, nếu mức lương tối thiểu vùng năm 2022 tăng đúng như dự kiến thì từ ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh tiền lương cho phù hợp để trả cho người lao động.
Doanh nghiệp chỉ buộc phải tăng lương cho những người lao động đang được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Cụ thể như sau:
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc | Phải tăng lương cho những người lao động sau |
Vùng I | Người lao động có mức lương < 4,68 triệu đồng/tháng |
Vùng II | Người lao động có mức lương < 4,16 triệu đồng/tháng |
Vùng III | Người lao động có mức lương < 3,63 triệu đồng/tháng |
Vùng IV | Người lao động có mức lương < 3,25 triệu đồng/tháng |
Với những trường hợp đã được trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới, doanh nghiệp không có trách nhiệm phải tăng lương.
Lưu ý: Nếu trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng được công bố, doanh nghiệp sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
- Vi phạm từ 01 - 10 người lao động: Phạt 20 - 30 triệu đồng.
- Vi phạm từ 11 - 50 người lao động: Phạt 30 - 50 triệu đồng.
- Vi phạm từ 51 người lao động trở lên: Phạt 50 - 75 triệu đồng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải trả đủ tiền lương và thêm một khoản tiền lãi cho người lao động.
Trên đây là giải đáp về thông tin những ai được tăng lương từ ngày 01/7/2022. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.
Theo: Luật Việt Nam